Kể chuyện xuất bản Aristotle và bi kịch của một con người trung lập

Kể chuyện xuất bản Aristotle và bi kịch của một con người trung lập

Vẫn nhớ những ngày đầu năm 2019 khi mình làm series Online Review về một vài nhà tư tưởng Hy Lạp như Thales, Solon, Democritus, Heraclitus, Epicurus, Pythagoras, Plato và rồi kết thúc ở Aristotle, mình không ngờ rằng lại có duyên với Aristotle đến vậy. Xuất phát đơn thuần từ việc tò mò, nhưng khi đọc kỹ thì mình nhận ra Aristotle thật sự “khác” so với các nhà tư tưởng trước đó ở Hy Lạp, thậm chí cả các triết gia sau này của phương Tây. Ở ông có năng lực tư duy thấu đáo, trực giác và chí công vô tư đến mức tuyệt đối. Không có dân tộc, không có màu da, không có bất kỳ “ngoại tính” nào có thể khiến ông thiên vị mà đi ngược lại lý thuyết “trung đạo” và “hướng thượng” của ông. Và có lẽ cũng chính vì sự “trung đạo” và “hướng thượng” này của ông đã khiến cho đa số khâm phục ông nhưng đồng thời khước từ ông, thậm chí đến mức hiểu sai và căm ghét. Thật sự mình không thể tưởng tượng nổi người ta có thể căm ghét ông, nhưng có lẽ đến thời điểm này mình nhận ra rằng…dữ kiện sai khi bị tích lũy đủ đến một mức nào đó có thể khiến người ta xa rời khỏi sự thật một cách “khó tin”.

Sau khi hoàn thành Luân Lý Học vào tháng 4/2020 thì cũng là lúc Hà Nội bước vào giai đoạn phong tỏa vì COVID, và mình bắt đầu khởi động dịch Siêu hình học cùng dịch giả Nguyễn Nguyên Hy, một tiến sĩ Vật lý được đào tạo theo hệ thống kiến thức hiện đại với nền tảng của những người được cho là đã “đạp đổ” hệ thống tư tưởng của Aristotle. Chú Hy hoàn thành bản dịch vào ngày 17/1/2021 và kể từ đó tới nay là tròn 2 năm mình tiếp tục công việc hiệu đính, xử lý các chỗ mà chú còn bỏ ngỏ vì chú không thể đi tiếp. Chú đã lớn tuổi và sức khỏe không còn đủ để đào sâu tới tận cùng thế giới quan của Aristotle. Mình thông cảm với chú bởi vì mình biết rằng nếu đi tới tận cùng chẳng khác nào phải tự “phế võ công” để có thể làm mới bản thân và tiếp nhận một thế giới quan mới, một bộ công cụ mới. Điều này thật khó với những người đã đi tới sườn bên kia của cuộc đời.

Chú có nhắn mình một câu mà mình đánh giá rất cao đó là “Hi vọng Nam và các bạn ở Book Hunter có thể xử lý tới mức hoàn tất sớm nhất và khả dĩ in được.” Mình đánh giá cao câu nói này ở chỗ chú có nhận định riêng thế nào là hoàn tất và thế nào là in được. Hoàn tất có lẽ là completion, khác với hoàn hảo, perfection. “In được” có lẽ là bạn đọc có thể đọc hiểu và chấp nhận được bản dịch, có thể đâu đó không hài lòng, chưa thỏa mãn, nhưng chấp nhận và lượng thứ cho các thiếu sót.

Hai năm làm việc liên tục với Siêu hình học cũng là hai năm khiến mình trở nên ít nói. Mình vốn đã ít nói nhưng hai năm qua mình thậm chí còn ít nói hơn. Mình nhận thấy bi kịch của Aristotle và những người giống ông trong dòng lịch sử, và chẳng điều gì đảm bảo rằng thời đại này và những thời đại của tương lai bi kịch đó không lặp lại. Aristotle sinh ra trong một gia đình có truyền thống y học, bố ông là Nicomachus, thuộc gia tộc Asclepiadae, từng giữ chức ngự y cho vua Amyntas II của Macedon. Aristotle quan sát thực vật, động vật, khoáng vật, thiên thể…về cơ bản là mọi thứ xung quanh ông, và đối với ông, mọi thứ đều là các đối tượng để nghiên cứu, tìm hiểu một cách khách quan nhất có thể. Cái mang tính chủ quan duy nhất có lẽ là ở quan điểm “trung đạo” và “hướng thượng” của ông. Bởi vì nếu không có “trung đạo” và “hướng thượng”, chúng ta sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được “sự bất công”, “sự đau khổ”, “sự thù ghét”, tóm lại là những gì sai trái. Nhưng Aristotle không đưa ra được giải pháp mà nhiều người mong đợi để có thể chấm dứt nghèo đói, chiến tranh hay đau khổ. Ông chỉ đưa ra một con đường, và ai dám bước đi trên con đường đó thì mới biết nó sẽ dẫn tới đâu. Và để tiếp cận tư tưởng của ông, điều đầu tiên chúng ta có thể làm là phải tự “phế võ công” để có thể thuận lợi hiểu các khái niệm mà ông đưa ra, dù các khái niệm đó giờ đây bị che mờ bởi thời gian và bị phủ lên bởi các lớp từ ngữ (tiếng Latin, Ả Rập, Đức, Pháp, Anh…) và cả tiếng Việt. Các thuật ngữ mà mình và Book Hunter đưa ra không phải là cuối cùng, và có lẽ khó có thể biết cái gì là cuối cùng, mà các thuật ngữ này hay toàn bộ các cuốn sách do Book Hunter xuất bản chỉ mong muốn cung cấp cho các bạn một bộ công cụ, có thể hữu ích với người này, vô ích với người kia. Còn đối với mình, xuất bản sách của Aristotle đầu tiên đến từ duyên, sau đó đến từ sự thương xót cho số phận của ông trong dòng lịch sử. Macedon trỗi dậy một cách mạnh mẽ nhờ những cải cách của Phillip II và Alexander the Great, và rồi khi Macedon đe dọa Athens, Aristotle đã phải rời bỏ LYCEUM, ngôi trường ông lập ra để chia sẻ thế giới quan của ông, và qua đời một năm sau đó. Nhiều người có quyền thế tại Athens không quan tâm tới tri thức của ông, họ và những tri thức khác bởi vì đố kỵ mà xua đuổi ông khỏi Athens, với chiêu bài dân tộc chủ nghĩa: người Athens vs người Macedon. Tình thế này còn lặp lại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần trong lịch sử, vì “ngoại tính” đã che lấp mất “tự tính”, vì e sợ mất đi những vật ngoài thân như tài sản, địa vị, danh vọng… mà người ta sẽ khước từ tri thức. Aristotle không chọn phe, ông không ngồi sâu trong cung cấm của Macedon để được binh lính của Alexander the Great, học trò của ông, bảo vệ, để tàn phá Athens. Ông không thích sự sáp nhập bằng vũ lực. Ông cũng không chọn về hùa với giới tinh hoa của Athens để chống lại Macedon, vì sự cảm tính và trí tuệ đám đông đang còn nhiều phần ngây thơ ở đây. Và khi mâu thuẫn nổ ra khi công cuộc nâng cấp tri thức của ông tại Athens còn dang dở, ông đành dứt áo ra đi. Đối với ông, sự thống nhất (hay Nhất nguyên) được chia làm nhiều cấp độ và cấp độ cao nhất phải đến từ sự tự nhiên. Thống nhất bằng vũ lực, gượng ép luôn không mang lại sự bền vững. Aristotle viết như sau để hiểu Một là gì (tức Thống nhất hay Nhất nguyên) tại Quyển Δ 6:

“ví dụ, một bó củi được làm liền nhau bằng dây buộc, một cái thùng gỗ thì làm liền nhau bằng các mảnh gỗ gắn bằng keo; và một đường liên tục, ngay cả khi nó bị uốn cong, được cho là một, giống như mỗi bộ phận của tứ chi, ví dụ như chân hoặc tay. Và bản thân những thứ này, những cái liên tục một cách bản nhiên là một theo nghĩa đúng hơn những cái liên tục một cách giả tạo. “Liên tục” có nghĩa là chuyển động của chúng về mặt tự tính là một, và không thể khác; và chuyển động là một, khi nó không thể phân chia được, tức là không thể phân chia theo thời gian. Mọi thứ về tự tính mà liên tục thì là một và không phải chỉ do tiếp xúc; vì nếu bạn đặt các mảnh gỗ chạm vào nhau, bạn sẽ không nói rằng chúng là một khúc gỗ,…. Và những vật hoàn toàn liên tục được cho là “một” ngay cả khi chúng có khớp nối, và còn cả những thứ không có khớp nối; Ví dụ, ống chân hoặc đùi thực sự là như một hơn so với toàn bộ cái chân, vì chuyển động của cái chân có thể không như một. Và đường thẳng thực sự là một so với đường gấp khúc. Chúng ta gọi đường gấp khúc và chứa một góc vừa là một vừa không phải là một, bởi vì nó có thể di chuyển hoặc không chuyển động cùng một lúc; nhưng đường thẳng thì luôn luôn chuyển động tất cả các bộ phận cùng một lúc, và không phần nào của nó có độ lớn mà lại nằm yên trong khi phần khác chuyển động,…”

Một công ty hay một tổ chức nào đó có phải là “một” không khi người này làm còn người kia thì không làm gì cả? Thậm chí người này làm còn người kia thì ngầm ngăn cản? Khi chúng ta quan sát xung quanh chúng ta nhận thấy có rất ít thứ thực sự là “một”, theo cách định nghĩa của Aristotle, ngoại trừ cây cối, động vật,… những sinh vật vốn được sinh ra một cách tự nhiên. Các công ty hay tổ chức nhỏ với các cá nhân cùng chung một mục đích, mong muốn và trình độ nhận thức thì dễ có sự thống nhất hơn và dễ duy trì hơn. Bi kịch của Aristotle đến chính từ mong muốn tăng trưởng mạnh, nhanh của đại đa phần các tổ chức. Họ không thể và không muốn áp dụng bộ công cụ của Aristotle khi nó đòi hỏi quá nhiều chi phí cho nghiên cứu, nền tảng và cần thời gian rất dài mới có thể xây dựng được một cái gì đó “định hình”. Nhưng nếu các bộ công cụ khác đang khiến chúng ta sa chân nhanh vào “tình thế không thể cứu vãn” thì phải chăng chúng ta nên nghiêm túc nghiên cứu Aristotle?

Đã đăng trong Write

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese