Bàn về Tín – Đạt – Nhã trong tiêu chuẩn dịch thuật

Bàn về Tín – Đạt – Nhã trong tiêu chuẩn dịch thuật


Nếu như ở Thiếu Lâm Tự các sư nhập môn phải luyện các bài tập đơn giản lặp đi lặp lại như gánh nước, đứng tấn…để có đủ nền tảng cho các động tác khó hơn về sau thì dịch thuật cũng vậy. Trước khi dịch các nội dung khó chúng ta cần thực hành qua các “thao tác” nhập môn.
Làm sao ta có thể biết một người giỏi võ hay không? Chúng ta dựa trên tiêu chí gì? Tính hiệu quả – một đòn duy nhất hạ gục đối phương? Tính thẩm mỹ – động tác uyển chuyển và các đường quyền được thực hiện như một bản nhạc? Hiểu rõ nguyên lý võ thuật đến nỗi có thể hóa giải mọi chiêu thức nhưng không hề biết thực hành thì có được xem là giỏi? Mỗi người mỗi vẻ và chúng ta chẳng thể áp đặt một tiêu chuẩn nào đó lên bất kỳ ai.

Trong dịch thuật cũng vậy. Phần nhiều dịch giả mà mình từng biết không có tiêu chuẩn trong công việc (nhưng mà liệu có cái gì có tiêu chuẩn rõ ràng ở cái thời đại loạn lạc như hiện nay không?).

Xét về tiêu chuẩn trong dịch thuật, gần đây nền tảng chiếu phim online iQiyi của Baidu mới phát hành một series phim có tên là “Người phiên dịch của chúng tôi” (我们的翻译官), với sự tham gia của diễn viên khá nổi tiếng là Trần Tinh Húc trong vai chính là một doanh nhân công nghệ đang phát triển một ứng dụng phiên dịch “tức thì” (tức là người nói ngôn ngữ A thì máy “ngữ dịch” sẽ phiên sang ngôn ngữ B một cách gần như đồng thời (độ trễ rất nhỏ, chỉ dưới 1 giây). Và bộ phim bàn rất nhiều về câu chuyện “dịch thuật AI” liệu có giỏi hơn và thay thế được con người?

Câu hỏi này tất nhiên có vấn đề vì nó quá thiếu tính cụ thể. Con người ở trạng thái tốt nhất thì chắc chắn hơn AI về nhiều mặt, nhưng phần lớn con người thì đều ở trong tình trạng sức khỏe yếu và trí lực cũng yếu nên tất nhiên không bằng được AI liên tục được cải thiện. Và quay lại bộ phim “Người phiên dịch của chúng tôi”, trong phim bàn đến một tiêu chuẩn dịch thuật được đưa ra bởi một trong những người có đóng góp dịch chuyển văn hóa phương Tây về TQ khá lớn đó là Nghiêm Phục (8 tháng 1 năm 1854 – 27 tháng 10 năm 1921), một người xuất thân trong gia đình hành nghề Y nhưng cha mất sớm nên phải rẽ nghiệp sang hải quân và duyên số đưa đẩy mà ông đã dịch rất nhiều tác phẩm nền tảng của văn minh phương Tây sang tiếng Hán như The Wealth of Nations của Adam Smith, On Liberty của John Stuart Mill, De l’Esprit des Lois của Montesquieu,… (các bạn có thể tham khảo chi tiết về Nghiêm Phục trong link ở comment).
Nhưng điều quan trọng mà bộ phim nhắc tới đó là nguyên tắc dịch thuật mà ông đề ra: TÍN – ĐẠT – NHÃ. Tín tức là trung thành với bản gốc; Đạt tức là diễn đạt đúng ý để cho người đọc tiếp nhận được nội dung của bản gốc; Nhã tức là hay, đẹp…nói chung là đạt tiêu chí thẩm mỹ nhất định chứ không thô lậu.
Chưa bàn tới việc tiêu chí của Nghiêm Phục có đáng để chúng ta tuân theo hay không mà hãy nói về cái sự khó khăn cũng như dễ gây tranh cãi của nó. Nếu bản gốc mà sai (rất phổ biến chứ không phải hiếm gặp, tác giả cũng là con người thôi, ai chẳng có lúc sai) thì Tín phải hiểu thế nào? Có nên tự ý sửa hay giữ nguyên và chú thích? Tiêu chí Đạt thì xử lý thế nào bởi vì nó lệ thuộc vào người đọc, thói quen hành văn của cả một thời đại. Bạn không thể chắc chắn 100% người đọc hiểu được đầy đủ nội dung bạn viết dù bạn cố gắng tới đâu -> xác định rõ người đọc của bạn là ai, rồi mới biết được nên diễn đạt như thế nào thì được gọi là Đạt. Tiêu chí Nhã thì thực sự là phiền toái. Nếu cố để có được Nhã mà mất Tín thì bạn sẽ xử lý thế nào? Thế nào được coi là Nhã? Hành văn hùng hồn khuấy động cảm xúc độc giả? Giọng văn tâm sự, thân thiện? Ngôn từ giàu hình ảnh, đưa độc giả vào khung cảnh đẹp đẽ?

Có lẽ để đi tìm được các tiêu chuẩn dịch thuật sẽ mất rất nhiều thời gian và mỗi người sẽ có riêng một bộ “võ công” cho riêng mình.

Đã đăng trong Write

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese